Sản phẩm là gì?
Bất cứ thứ gì giải quyết được vấn đề của người dùng đều là sản phẩm.
Vậy Product management là gì?
Product management là quá trình thấu hiểu vấn đề, nỗi đau (Pain Point/ Underserved needs) của người dùng có một giải pháp phù hợp để xây dựng sản phẩm giúp người dùng đạt được mục tiêu, giải quyết vấn đề, đồng thời tệp người dùng phải có thị trường đủ lớn (Market Size). Qua quá trình trải nghiệm các dự án và những kiến thức được trau dồi, hôm nay mình tổng hợp chia sẻ những key words liên quan đến "User" để mô tả quy trình xây dựng một sản phẩm số (Digital Product). Vì kỹ năng viết còn hạn chế nhiều, mình chỉ mô tả lại những gì đã làm và hiểu, bài chia sẻ này ngoài mục tiêu chia sẻ, còn có mục tiêu nhắc lại kiến thức, và luyện kỹ năng viết. Rất mong bạn đọc góp ý, phản hồi thêm để mình cải thiện. Ngoài ra, trong bài viết sẽ sử dụng xen kẽ những từ ngữ bằng tiếng Anh, vì lý do là từ chuyên môn (mình chưa biết dịch thế nào), và lý do nữa là để viết nhanh.
1. User Personas
Bạn có thể search thêm để hiểu sâu về định nghĩa user personas, ở đây mình chỉ liệt kê ở phần này chúng ta cần "Ouput" là gì. Có 4 mục tiêu khi phân tích user personas.
Mô tả về User: Về độ tuổi, tính cách, nghề nghiệp,...
Nhu cầu của người dùng (User needs): Hiểu về nhu cầu của người dùng là gì.
Mục tiêu của người dùng (User goals): Mục tiêu của người dùng cho nhu cầu là gì
Nỗi sợ, điểm cản trở của người dùng (User fear): Sau khi sử dụng giải pháp, sản phẩm của bạn thì người dùng sợ, ngại ngùng điều gì.
Người dùng chấp nhận sớm là những ai (Early user/ Early adopter): Là tệp đối tượng người dùng dễ tiếp cận, dễ sử dụng giải pháp, sản phẩm của bạn ở giai đoạn đầu tiên khi ra mắt sản phẩm
Phác thảo chi tiết user Personas giúp bạn hiểu được đối tượng bạn đang giải quyết vấn đề là ai. Ngoài ra còn giúp cho team UX/UI design triển khai tốt về phần thiết kế sản phẩm. Khi đã làm xong bản phác thảo "user personas", bước tiếp theo bạn sẽ phân tích "User Journey map".
Output: Phát triển giải pháp này cho những ai.
Công cụ sử dụng:
Mình thường sử dụng công cụ tạo user personas trên hubspot hoặc dùng figma, lâu lâu dùng powerpoint.
2. User Journey map
User journey map (thường gọi là customer journey map) là bản đồ mô tả hành trình người dùng bằng lăng kính (trải nghiệm) thực tế của người dùng, đang mong muốn giải quyết một vấn đề, một nhu cầu nào đó. Ví dụ như mua hàng online, thanh toán online, hoặc mua quà tặng cho người thân,...
Khi có một nhu cầu, vấn đề nào đó, người dùng sẽ "thao tác như thế nào?", mục tiêu của người dùng là gì?, đi qua những điểm chạm (touchpoint) nào?, khi đi qua những điểm chạm đó, thì cảm xúc của những điểm chạm đó là gì (khó chịu, vui vẻ, hài lòng, bình thường)?.
Sau đó, chúng ta bốc tách phần cảm xúc "khó chịu" thành vấn đề, nỗi đau để product team cải thiện, nâng cấp hoặc xây dựng một giải pháp mới nhằm giúp người dùng có một trải nghiệm xuyên suốt để đạt mục tiêu một cách vui vẻ, hài lòng.
Tóm lại, user journey map giúp bạn tìm được pain point của người dùng, đưa ra các mức độ ưu tiên, và đưa vào kế hoạch phát triển sản phẩm của bạn.
Hoàn thành bước này, sẽ giúp bạn làm tốt bước 3: Xây dựng "User Story map".
Output: Xác định nhu cầu chưa được phục vụ, nỗi đau (Underserved need/ Pain point) và hiểu được giải pháp đang tồn tại cho nhu cầu này (Existing Solution).
Công cụ sử dụng:
Sử dụng website miro.com để tạo customer journey map hoặc figma. Đa phần các bước, mình thường dùng figma để tạo. Tuy nhiên mình đề xuất thêm web miro để tạo.
Có thể tham khảo thêm các customer journey map ở đây
3. User Story map
Thấu hiểu được nỗi đau (Pain point) của người dùng, giúp bạn phác thảo giải pháp đúng (đương nhiên sẽ có nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố "độ lớn thị trường" cũng quan trọng, như đã nói ở trên. Tuy nhiên ở bài viết này, chỉ chia sẻ với giả thuyết các yếu tố thị trường là OK, để bắt đầu xây dựng sản phẩm).
Sau khi dùng user journey map để xác định được pain point thì bạn sẽ dùng User journey story map để phân tích chi tiết hơn để xác định tất cả tính năng (Feature set) trong suốt quá trình thao tác để đạt mục tiêu của người dùng, và chọn ra những tính năng ưu tiên (Priozitize Features), hoạch định các giai đoạn phát triển (Release 1, Release 2,...). Và có thể tạo ra bản MVP ở bước này.
User story map giúp bạn nhìn tổng quan các tính năng (Feature set) và giai đoạn phát triển từng nhóm tính năng.
Phác thảo user story map, bạn cần:
Đang phác thảo cho ai (user persona nào)
Hoạt động cụ thể ra sao (Activities): Ví dụ như hoạt động mua hàng, đến thanh toán,..
Các bước (Step): Các bước để thực hiện hoàn thành một hoạt động là gì.
Chi tiết các bước (Detail): Đây là bước phân tích ra tất cả tính năng của từng bước. Từ những tính năng này, bạn sẽ chọn ra những tính năng ưu tiên
Tính năng ưu tiên: Kéo thả các tính năng, phân loại theo từng giai đoạn release. Release 1 (có thể tạm gọi là bản MVP).
Output: Phân tích các Feature set (tập tính năng) và đưa ra các giai đoạn phát triển, tính năng ưu tiên (Prioritize Features), MVP.
Công cụ sử dụng:
Sử dụng avion.io (cho dùng thử và tính phí sau đó), hoặc dùng figma.
4. User flow
User flow là sơ đồ luồng người dùng mô tả một tác vụ cụ thể của một đối tượng người dùng cụ thể trên ứng dụng, website của bạn. Để hoàn thành một tác vụ A nào đó, người dùng phải đi qua những thao tác nào.
Ví dụ: Trước khi vào ứng dụng, người dùng A phải đăng nhập (nếu có tài khoản) hoặc đăng ký (chưa có tài khoản), nếu quên mật khẩu thì như thế nào,...
Output: Sơ đồ user flow.
Công cụ sử dụng:
Mình sử dụng 100% figma để tạo user flow.
5. User Interface và 6. User Experience
Vì UI và UX bổ trợ cho nhau và cần những thông tin gần như nhau, nên mình gộp chung.
Từ những thông tin ở bước trên, bộ phận UI/UX sẽ thiết kế ra chi tiết các giao diện từ wireframe, đến UI, và prototype sản phẩm. Bước này có thể thẩm định giải pháp, sản phẩm có phù hợp hay không? Từ bước này sẽ giúp bộ phận Back-end, Front- end bắt tay vào lập trình, phát triển sản phẩm.
Output: Wireframe, UI, Prototype.
Vì ở bài viết này chỉ nói về những key words liên quan đến chữ cái "User", nên mình lượt qua các bước khác trong quy trình phát triển sản phẩm.
Ví dụ như sau khi xong bước này sẽ là bước tạo môi trường làm việc với Dev team, sử dụng phương pháp Agile, bằng công cụ jira để làm việc. (Có rất nhiều phương thức triển khai, mình đang mô tả phương thức mình trải nghiệm).
Công cụ sử dụng:
Mình tham gia dự án startup nhỏ, nên thiếu nguồn lực, nên bản thân mình làm bước này này luôn (đúng theo quy trình thì phải có team riêng làm). Tạo Sketch trên giấy, tạo wireframe, mockup trên balsamiq (hoặc figma), và tạo bản thiết kế hoàn thiện, prototype trên figma.
7. User Metrics
Khi đã hoàn thiện bản release 1, MVP thì tiếp theo bạn sẽ lauching và đo lường, nhận phản hồi từ người dùng. Ở bước này, bạn đo lường kết quả.
Có nhiều chỉ số, cách thức để đo lường hiệu quả của sản phẩm, sự hài lòng của người dùng, tỷ lệ rời đi,...
Ở bước này, mình chia sẻ về "The user metrics framework"
USER METRICS là gì?
Là các chỉ số đo lường theo thứ tự ưu tiên của 4 chữ cái viết tắt, cấu thành chữ "USER". Đo lường theo công thức "USER" được dựa trên công thức "HEART" của google.
U = Usage: Là các chỉ số trả lời cho câu hỏi "Người dùng có đang sử dụng sản phẩm không?"
S = Satisfaction: Nếu người dùng có sử dụng sản phẩm bạn, thì họ có hài lòng không?
E = Ease-of-user: Sản phẩm bạn có dễ sử dụng không? Có đáp ứng "Dom't make me thing" khi người dùng sử dụng không.
R = Ramp-up: sản phẩm có phát triển về lượng người dùng không?
Bạn có thể đọc thêm về USER METRICS ở đây
Hết bài.
Mình trong giai đoạn tập viết để cải thiện kỹ năng viết, quý bạn đọc vui lòng góp ý để mình cải thiện thêm cả về cách viết và chuyên môn nhé. Mong được học hỏi thêm.
Tái bút: Bài viết được viết qua sự trải nghiệm, quan điểm, góc nhìn cá nhân, tổng hợp kiến thức có dẫn nguồn, kiến thức luôn có những giới hạn nhất định. Vì thế, bài viết có thể còn hạn chế trong khuôn khổ hiểu biết, trải nghiệm cá nhân và có thể không phù hợp với các góc nhìn của một nhóm người đọc. Rất mong, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc và xem đây là một góc nhìn khác trong việc thu thập thông tin, kiến thức.
Cuối cùng, trên tinh thần chia sẻ là một phương pháp học hiệu quả, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để mình cải thiện và trau dồi thêm.
Cảm ơn quý bạn đọc!
Comments