top of page
Ảnh của tác giảNghiem Quoc Luu

Mặt trái của việc đọc sách

Đã cập nhật: 17 thg 2, 2023

Ở luồng dữ liệu theo chiều suôn, chúng ta thường thấy những bài viết về mặt tích cực, tính hiệu quả của việc đọc sách, hoặc những bài viết những người thành công có thói quen đọc sách.

Vậy ở bài viết này, mình thử nói về khía cạnh chiều ngược lại của dữ liệu suôn. Tức là mặt trái của việc đọc sách là gì?


Bài viết không nói đến việc nên hay không nên đọc sách, nên đọc nhiều hay đọc ít mà nội dung chính mình muốn chia sẻ là tư duy đa chiều khi đọc sách. Tư duy đa chiều giúp bạn hiểu bản thân hơn và tránh những mặt trái của việc đọc sách, cũng là tiêu đề bài viết này.



Key takeaways

  • Đọc sách là một như việc nhập dữ liệu đầu vào. Cũng tương tự như các dạng dữ liệu đầu vào khác như xem video, nghe podcast, xem ảnh, đọc text (bài báo khoa học, bài viết từ các chuyên gia, trên facebook,...).

  • Mục đích bài viết này nói về sử dụng tư duy đa chiều để đánh giá góc nhìn ở phía dữ liệu bỏ sót.

  • Mỗi người có ngữ cảnh, môi trường, trải nghiệm khác nhau nên sẽ có quan điểm về một nội dung cũng khác nhau.

  • Đọc sách hiệu quả là sự nổ lực, động cơ có chủ đích, là quá trình chuyển hóa từ một "Existing me" thành "better me"

Keywords

Tư duy đa chiều; quy trình input-process-output; thiên kiến nhận thức.


Trước khi nói về mặt trái của việc đọc sách, mình nói về việc đọc sách. Việc đọc sách giống như quy trình bạn nấu một món ăn.



Đầu tiên: Bạn phải xác định tên món ăn sẽ nấu là gì? Tương tự như đọc sách, nhu cầu, động cơ đọc sách của bạn là gì, từ đó bạn sẽ chọn được tên sách cần đọc.


Bước 2: Ra chợ chọn nguyên liệu.

Nguyên liệu cũng tương tự như kiến thức của nhân loại vậy á, ai cũng có thể chọn, mua.

Tương tự như đọc sách, bạn phải chọn sách muốn đọc, vì một nội dung có nhiều trường phái, tác giả, ngôn ngữ khác nhau. Sách là kiến thức của nhân loại, của chung (tác giả là người tạo ra), ai cũng có thể mua và đọc.

Khi bạn chọn nguyên liệu nấu ăn, nếu người có kinh nghiệm sẽ chọn được đồ ngon, tươi, ai không có kinh nghiệm thì chọn đồ "tươi ngoài hư trong".

Sách cũng vậy, tùy trải nghiệm mỗi người mà có thái độ, góc nhìn khác nhau với hai tính từ "sách hay, sách dở".


Bước 3: Bắt đầu chế biến món ăn.

Ở bước này thường có hai cách, nếu bạn chưa nấu bao giờ thì bạn sẽ lên google, youtube hoặc gọi điện về hỏi mẹ. Nếu bạn đã có kinh nghiệm thì bạn tự chế biến theo công thức của bạn.

Chiếu qua việc đọc sách, đây là công đoạn bạn xử lý những gì bạn đọc. Quá trình xử lý này tùy thuộc vào ngữ cảnh, góc nhìn riêng, năng lực tiếp thu, sự trải nghiệm riêng của bạn.

Nếu bạn đã có kinh nghiệm, bạn sẽ có cách đọc, chất lọc ra những gì bạn cần để giải quyết nhu cầu của bản thân để trở thành một "better me". Và đây là tri thức của bạn, biến những nguyên liệu, công thức chung thành công thức nấu ăn riêng, hợp khẩu vị với bạn.

Nói đến món ăn, thì nói đến khẩu vị. Kiến thức, sách báo cũng vậy.


Bước 4: Ăn và sử dụng công thức cho lần nấu ăn kế tiếp.

Nếu bạn là người nấu món này lần đầu tiên theo công thức của mẹ, trên internet có thể hợp hoặc không hợp khẩu vị. Từ đó bạn sẽ có công thức riêng hợp khẩu vị cho lần sau. Bỏ bớt muối, thêm tí mắm,...

Quá trình đọc sách tương tự, bạn sẽ chọn lọc, tích lũy ra theo những gì bạn cần, nén lại và ứng dụng vào thực tế.


Bạn thấy đó, ngay từ bước mục tiêu nấu món gì cho đến chọn nguyên liệu, rồi chế biến món ăn đều khác nhau với mỗi người thì việc đọc sách có lợi thế nào, hại thế nào cũng theo quan điểm tự nhận thức của mỗi người thôi.


Mỗi người đã khác nhau từ ngữ cảnh, trải nghiệm, nhận thức rồi cho nên chúng ta nên tư duy đa chiều về một quan điểm, vấn đề bất kỳ.

Đọc sách hiệu quả hay không hiệu quả thì cũng tùy quan điểm của mỗi người. Sách hay hoặc sách dở cũng là từ quan điểm, góc nhìn, môi trường của họ.

Ví dụ: Hai người khác nhau về đối tượng, cùng đọc một cuốn sách tại một thời điểm, một người đã từng trải nghiệm trùng hợp với nội dung trong sách thì họ sẽ hiểu sâu theo một cách khác, tương tự người chưa trải nghiệm đủ sẽ cảm nhận theo cách của họ.


Thêm nữa, tư duy người viết sẽ khác với tư duy người đọc, nên đọc và ứng dụng việc đọc cũng sẽ khác nhau.


Đọc sách hiệu quả


Theo mình, đọc sách hiệu quả khi bản thân có nhu cầu cần giải quyết một vấn đề nào đó, động cơ đủ lớn. Quá trình đọc sách này là sự nổ lực có chủ đích để mong tìm được một ý nhỏ nào đó đủ giải quyết vấn đề lớn của bản thân. Như quy luật 80/20, nén lại những gì đọc từ sách (nén bằng trải nghiệm, sự hiểu biết của mình) thành 20% nội dung có thể áp dụng giải quyết công việc để đạt được 80% mục tiêu.

Đọc sách là quy trình INPUT - PROCESS - OUPUT - OUTCOME. Khi input (nạp) rồi thì phải Process (Xử lý), rồi mới cho ra tri thức riêng (OUPUT). Khi đã có OUTPUT rồi thì mình sẽ "XẢ".

XẢ, tức là:

  • Chia sẻ những gì đã đọc, tương tác với bên ngoài.

  • Ứng dụng trực tiếp vào công việc, bài toán cần giải quyết.



Tóm lại, đọc hiệu quả là đọc có động cơ, động cơ này sẽ giúp bạn NẠP vào rồi XẢ ra.

Mặt trái của đọc sách hay đọc sách không hiệu quả là thế nào?

Vậy, từ quan điểm về đọc sách hiệu quả thì mặt trái của đọc sách là gì?

  • Đừng tranh cãi "đọc nhiều" hay "đọc ít". Đọc ít cũng được, nhiều cũng chẳng sao. Đọc ít sách, nhưng đọc nhiều lần cũng được. Miễn sao, đừng nghiện đọc đến mức say mê, đến mức không có thời gian để áp dụng những gì để đọc. Thì những gì đã đọc chỉ là một dạng thông tin lưu trữ chưa qua xử lý thôi.

  • Đọc theo phong trào, the trend.

  • Đọc là Nạp, Nạp nhưng không xả. Nạp mà xả, đọc mà xài những cái đã đọc.

  • Ngộ nhận kiến thức, hoặc "Thiên kiến nhận thức" (bạn tìm hiểu thêm về Dunning Kruger), nghĩa là những gì bạn sưu tầm, bạn đọc xong, bạn cứ tưởng đó là kiến thức đã là của bạn, nhưng bạn chỉ mới ở bước nạp và thấy hay. Tuy nhiên bạn chưa qua bước xử lý, chế biến thành công thức riêng. Tức là lầm tưởng những gì vừa đọc, vừa biết, khiến bản thân rơi vào trạng thái đánh giá bản thân quá cao. Ở giai đoạn 2 của Dunning Kruger là "Đỉnh cao của sự ngu ngốc/peak of mount stupid", khi bạn đọc nhiều sách, bạn nạp nhiều thông tin, bạn sẽ tự phụ với thông tin mới sở hữu này. Khi bạn chạm đến giai đoạn 3, có thể là sau khi bạn "hăng" trong việc tranh luận, và bạn đụng phải một "đỉnh khác" là chung chuyên môn, chung lượng thông tin bạn vừa nạp. Bạn phát hiện khả năng thực sự của mình, bạn rơi bạn trạng thái tuyệt vọng "Valley of Despairs".

  • Có những cuốn sách về câu chuyện, nhân vật hư cấu có thể ảnh hưởng tới quan điểm người đọc theo hướng tiêu cực (trong trường hợp người đọc không tư duy đa chiều)

  • Một hướng tiêu cực có thể tạo ra cảm giác khiến bạn ít tương tác, tiếp xúc với thế giới thực, xa rời thế giới thực.

Đó là những mặt trái về việc đọc sách theo quan điểm của mình, và mình đã từng vấp phải một vài điều trên trong quá khứ.


Tóm lại,


Mọi thứ trên đời đều có nhiều mặt, chúng ta phải luôn hoài nghi về mặt còn lại, phía ngược lại của dữ liệu đang có (có thể gọi là survival bias/ thiên kiến kẻ sống sót) , dù chúng ta chưa biết nó là gì, nhưng luôn hoài nghi trước để giúp chúng ta hiểu bản thân chúng ta nhiều hơn.

Tư duy đa chiều là mỗi người có những góc nhìn khác nhau:

  • Khác nhau về ngữ cảnh, hoàn cảnh, điểm xuất phát, từ đó sẽ khác nhau về góc nhìn.

  • Khác nhau về mục đích, mục tiêu nên tranh luận sẽ không có điểm hội tụ.

  • Khác nhau về số lượng, chất lượng dữ liệu đầu vào thu thập từ mỗi người.

  • Khác nhau về năng lực tiếp thu, trải nghiệm khác nhau, nên xử lý dữ liệu đầu vào cũng khác nhau.

Bản thân mình luôn xem tất cả những gì nạp vào (input) đầu sẽ là dữ liệu thô, ví dụ như video, audio, đọc bài báo khoa học, bài viết từ chuyên gia, từ các vị giáo sư, từ sách,...vì những dữ liệu này là của kiến thức nhân loại (là kiến thức của người khác). Dùng kinh nghiệm, góc nhìn, năng lực của mình để xử lý những dữ liệu thô đó thành của mình. Sau quá trình xử lý, mình nén lại thành công thức riêng, và giản nén khi sử dụng.


Bài viết này mình không nói về mặt tích cực hay mặt tiêu cực của việc đọc sách, mà cá nhân mình trải qua đã trải qua cả 2 mặt. Trong bất cứ việc gì cũng đều xảy ra đồng thời từ hai mặt trở lên, hiểu mặt trái để bản thân không chủ quan, luôn hoài nghi để phát triển bản thân bền vững. Nếu biết được mặt trái theo hướng tiêu cực thì bạn phải đẩy mạnh phía tích cực để lấn át đi tiêu cực. Và tránh những mặt trái đó.




Tái bút: Bài viết được viết qua sự trải nghiệm, quan điểm, góc nhìn cá nhân, tổng hợp kiến thức có dẫn nguồn. Kiến thức mỗi người luôn có những giới hạn nhất định, vì vậy bài viết có thể còn hạn chế trong khuôn khổ hiểu biết, trải nghiệm cá nhân và có thể không phù hợp với các góc nhìn của một nhóm người đọc. Rất mong, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc và xem đây là một góc nhìn khác trong hành trình thu thập thông tin, kiến thức.  Cuối cùng, trên tinh thần chia sẻ là một phương pháp học hiệu, như slogan website này - Learning by sharing, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để mình cải thiện và trau dồi thêm, cũng như thêm góc nhìn.Các bạn có thể chat với mình trên website này để góp ý. Xin cảm ơn quý bạn đọc!










4.319 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page