Cuối năm là mốc thời gian mà dù muốn hay không, bạn cũng sẽ dành cho bản thân những giây phút chiêm nghiệm, nhìn lại mọi thứ đã qua. Mọi năm mình đều có thói quen viết trên facebook ở chế độ chỉ mình tôi, viết trên sổ riêng. Tuy nhiên năm nay, mình chọn viết trên blog riêng này, với mục tiêu chính chia sẻ góc nhìn, những bài học bản thân trải nghiệm đến mọi người.
Vì lý do, mình cũng được nhiều bài viết chia sẻ cuối năm từ nhiều người trên facebook, linkedin,...và nhận thêm bài học nào đó, dù ít hay nhiều.
Ngoài ra cũng với mục tiêu trong năm 2022, mình đang hoàn thiện những điểm yếu của mình. Mình viết không hay, nên mình tập viết. Bởi vì dù muốn hay không, bạn cũng phải có kỹ năng viết, viết là một nhánh trong kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, viết giúp bạn hiệu quả hơn trong công việc.
Viết với mục tiêu Chia sẻ là một phương pháp học hiệu quả. Trong quy trình tự học mình có viết có 4 bước, bước cuối cùng là "Xả", khi bạn Nạp, nén rồi thì phải "Xả". Xả là chia sẻ, là ứng dụng những gì đã học.
Dài dòng như vậy chỉ để nói lý do tại sao mình chia sẻ bài viết tựa đề "Ngẫm" này ở trạng thái công khai.
Từ 2022 trở về trước với những hành trình và trải nghiệm bản thân, dưới đây là nhiều gạch đầu dòng muốn viết.
— Đây là thời đại của dữ liệu "lớn" (Volume) được sinh ra với tốc độ (Velocity) cực nhanh, đa dạng loại dữ liệu (Variety). Cho nên khi tiếp cận bất kỳ thông tin, kiến thức, tin tức, nội dung nào đó bạn phải xác thực (Veracity) để biết dữ liệu vừa tiếp nhận đó có giá trị (Value) hay không.
Luôn xác thực thông tin, những gì bạn đọc, bạn thấy, bạn học trước khi đưa vào kho tri thức riêng
— Luôn tư duy đa chiều, khi tư duy đa chiều bạn mới ý thức được những gì bạn thấy, bạn mới biết vị trí bản thân đang ở đâu, tránh phán xét vội vàng. Và luôn tránh việc "dùng sự hiểu của bản thân để vội vàng phán xét sự việc, hoặc một thông tin tiếp cận được nằm ngoài sự hiểu biết của bản thân".
Tri thức thực sự nằm ở việc hiểu rằng mình không biết gì. True knowledge exists in knowing that you know nothing. - Triết gia Socrates -
Mình nghĩ rằng "Tư duy người đọc khác tư duy người viết". Bạn đọc một cuốn sách, bằng góc nhìn riêng, năng lực tiếp thu, sự trải nghiệm của riêng bạn, bạn sẽ hấp thụ cuốn sách theo quan điểm riêng. Cho nên mới có chuyện, có người nhận xét sách dở, nhưng bạn lại cảm thấy sách hay. Sách hay, sách dở là tùy góc nhìn, tùy hấp thụ của mỗi người. Bạn chỉ lắng nghe như một góc nhìn tham khảo. Thậm chí chưa nói đến ý của người viết sách thế nào. Cho nên mọi thứ tiếp nhận phải đa chiều và độc lập.
Tư duy đa chiều mọi vấn đề để không vội vàng phán xét. Không phán xét ai, cũng không sợ ai phán xét bạn.
— Tập trung vào nâng cấp bản thân của hôm nay tốt hơn bản thân của hôm qua.
Mình luôn ý thức những gì bản thân biết, dù đến mức độ nào cũng chỉ là giọt nước ngoài biển mênh mông. Kiến thức là vô hạn, đừng để kiến thức đang có hạn chế tầm nhìn, sự hiểu biết của bản thân. Chỉ khi bạn quay vào bên trong để hiểu bản thân, trau dồi từng ngày từng ngày một cách liên tục, bạn mới mạnh mẽ, mới có niềm tin. Nothing Impossible chỉ đúng khi bạn hành động liên tục một cách có chủ đích.
Nâng cấp bản thân liên tục mỗi ngày giúp bạn "tốt hơn" để thích nghi với môi trường thời VUCAH (Volatile - Biến động; Uncertain - Không chắc chắn; Complex - Phức tạp; Ambiguous - Mơ hồ; Hyperconnect - Siêu kết nối).
Nâng cấp bản thân liên tục, đều đặn để thích nghi, linh hoạt với môi trường đầy biến động. Bạn chỉ cần so sánh bản thân hôm nay với hôm qua.
— Mình đọc câu chuyện sau ở đâu cũng không rõ nguồn và không nhớ chính xác câu từ, nhớ man mán thế này: Một con ngựa hoang nhìn thấy một con ngựa béo, trước mặt con ngựa báo có đầy cỏ, nước,... Ngựa hoang bước tới và nói với ngựa béo: " Bạn thật sung sướng, vì luôn được có cỏ, nước trước mặt, còn tôi phải đi lang thang tìm cỏ và nước rất mệt nhọc, khó khăn". Vừa nói xong, thì ông chủ ngựa béo bước tới, ngựa hoang sợ nên đã núp vào một gốc cây. Lúc này, ngựa hoang nhìn thấy ông chủ rọ mõm, đeo yên sắt cho ngựa, đeo móng,...cho ngựa béo.
Sau khi nhìn thấy sự việc diễn ra, ngựa hoang nghĩ rằng "Làm ngựa hoang vẫn sướng hơn"
Qua câu chuyện trên và hành trình bản thân đã trải nghiệm, điển hình nhất là giai đoạn khởi nghiệp, mình thấy rằng: 1. Mọi sự lựa chọn đều luôn trả giá, đánh đổi. 2. Tất cả các vấn đề, sự việc luôn có tính hai ( hoặc nhiều) mặt. Cái chúng ta thấy chỉ nằm trong giới hạn bởi hiểu biết và kiến thức ở tại một thời điểm, luôn tồn tại một mặt nữa mà bạn chưa thấy, có thể tạm gọi là điểm mù hiểu biết.
— Luôn hành động, hành động mạnh mẽ, hành động có nhận thức về mục tiêu đã đặt ra. Phải đo lường và cải tiến liên tục về tư duy, cách làm. Nếu bạn không đo lường thì bạn chỉ đo lường 1 tiêu chí "quá lớn" là thành công trên phương diện tiền, điều này sẽ làm bạn nản chí. Cho nên, phải có nhiều tiêu chí, nhiều cột mốc đo lường trên hành trình đang đi. Để bạn thấy được sự tiến bộ, thấy được những cách cũ làm không đúng.
Khi hành động mới sinh ra "dữ liệu", thất bại là dữ liệu quan trọng để tạo ra sản phẩm thành công. Có dữ liệu, bạn mới đánh giá và khắc phục. Càng sống lâu với một thứ, một ngành nghề, bạn càng hiểu sâu hơn. Quan trọng là luôn cải tiến và có niềm tin, để niềm tin không mù quáng thì nâng cấp chuyên môn, nâng cấp cách làm, nâng cấp tư duy.
Hành động có chủ đích thì đích đến sẽ được hiện dần.
— Mỗi người là một chủ thể riêng biệt, điểm xuất phát khác nhau, năng lực, sở thích, trải nghiệm, môi trường,....khác nhau hoàn toàn, cho nên bạn là duy nhất. Bạn chỉ có thể kiểm soát não của bạn, không thể kiểm soát não của người khác. Không nên dùng não của người khác để suy nghĩ về cuộc sống của mình và dùng bộ não của mình để hình dung ra bộ não người khác.
Trau dồi bản thân để có nội lực, có nội lực mới thắng được ngoại lực.
— Tranh luận có mục tiêu, có ý nghĩa, không tham gia những cuộc tranh luận không ý nghĩa. Nói về tranh luận, quan điểm của mình là: + Tranh luận để tìm cái hợp lý hay không hợp lý của chủ đề đang tranh luận. Chỉ có 2 bên tranh luận, bên A là đối tượng con người, bên B là nội dung tranh luận. Chứ không quan tâm đang tranh luận với ai, không xem người có ý kiến trái chiều là đối thủ, mà tất cả cùng tranh luận để tìm cái chưa hợp lý của nội dung. Bởi vì, khi bạn quan tâm đang tranh luận với ai, bạn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, phổ biến hai trường hợp. Trường hợp một, bạn hoặc đối phương sẽ bị tự phụ "biết tui là ai không? hoặc, ông đó có kinh nghiệm 10 năm, ông đó là Tiến sĩ,..", trường hợp này nếu bạn tự phụ thì bạn sẽ tư cao với hiểu biết của bản thân, nếu bạn tự ti vì đối phương là người trong ngành, ổng nói có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên gia lĩnh vực nào đó. Thì dù ở trường hợp nào chúng ta cũng bị chi phối cảm xúc khi tranh luận, chúng ta nên tập trung lập luận vào chủ đề. Trường hợp hai là công kích cá nhân, công kích đời tư khi tranh luận, đưa ra những câu khẳng định không có căn cứ, thậm chí việc công kích cá nhân chẳng liên quan đến nội dung tranh luận. Công kích cá nhân chỉ có mục đích là thắng người khác, mà không tập trung nội dung tranh luận.
+ Những gì đúng hôm nay có thể sai vào ngày mai và ngược lại. Nên khi tranh luận thì bản thân mình thường rào lại ba tiêu chí. Thứ nhất là ngữ cảnh, mỗi người có môi trường trải nghiệm khác nhau, nên tranh luận sẽ không đi tới đâu nếu như không rõ ràng về tiêu chí này. Thứ hai là phạm vi tranh luận, mục tiêu tranh luận là gì, trong phạm vị nội dung nào, không đi xa ra ngoài phạm vi. Thứ ba là tính thời điểm, nội dung tranh luận này đang có ở thời điểm nào, nó còn hợp lý với thời điểm hiện tại hay không.
— Hoài nghi bản thân, hoài nghi để biết bản thân còn thiếu góc nhìn nào nữa không. Hoài nghi để biết mọi thứ trên đời đều mang tính chất tương đối.
— Tự trải nghiệm, tự nhận thức, tự điều chỉnh
Chúc tất cả các bạn đột phá, làm mới bản thân, tiếp cận nhiều tuy duy mới, mở rộng nhân sinh quan năm 2023
Comments