top of page
Ảnh của tác giảNghiem Quoc Luu

Tự học hiệu quả theo cách của bạn - Phần 3

Sau những lần tự học kiến thức mới, chuyên môn mới để đáp ứng nhu cầu công việc mình rút ra quy trình chung về phương pháp tự học hiệu quả. Ý tưởng quy trình này mình liên tưởng đến nguyên lý động cơ 4 kỳ, Nạp - Nén - Nổ - Xả.

Và, quy trình tự học sẽ là NẠP - NÉN - GIẢI NÉN - XẢ.

Bắt đầu vào nội dung chính để xem Nạp, Nén, Giải nén, Xả là gì nhé!



Nạp (Input Data)

Khi bạn muốn bắt đầu tự học một kiến thức mới, bạn phải nạp các dữ liệu (thông tin, kiến thức) vào đầu để thực hiện tiến trình xử lý, làm sạch, phân loại, sắp xếp, kết nối kiến thức để biến thành tri thức riêng của bạn.


Cũng như việc xử lý dữ liệu, bạn sẽ quan tâm nguồn dữ liệu ở đâu, nhập vào bao nhiêu.

Áp dụng cho việc tự học, ở bước đầu tiên bạn phải NẠP dữ liệu

Nạp thế nào?

- Đặt các câu hỏi liên quan đến kiến thức, lĩnh vực, chuyên môn bạn tự học. Ví dụ như bạn sử dụng kỹ thuật 5W1H hoặc 5-WHYs,...

Ví dụ:

Học Product manager ở đâu? (Anh/ Việt)

Khóa học product manager (Anh/Việt)

Product manager là gì?

Các vị trí product manager?

Mức lương product manager

Kỹ năng mềm, kỹ năng cứng cần thiết cho product manager là gì?

Job description của Product manager.


- Xem tổng quan lộ trình các khóa học online về lĩnh vực đang tự học.


- Sau khi khám phá các câu hỏi, và xem lộ trình khóa học online. Bạn sẽ tổng hợp các dữ liệu liên quan đến lĩnh vực bạn muốn tự học, bao gồm: Các keywords chuyên môn, các đường link khóa học, youtube, các bài viết chuyên môn từ các nguồn (xem phần 2 các nguồn tài liệu tự học).

Ở bước này, bạn có thể sử dụng notion.so hoặc excel để tổng hợp.


- Sau khi tổng hợp dữ liệu thô ở trên, và bạn phải hiểu cơ bản những keyword thì bước tiếp theo bạn tham khảo tiếp lộ trình khóa học online, từ đây bạn bổ sung hoặc ghi chú thêm theo cách hiểu của bạn, biến thành lộ trình tự học riêng cho bạn.


Đầu ra của bước Nạp dữ liệu, thông tin, kiến thức này là:

- Hiểu được lộ trình học lĩnh vực bạn đang tự học.

- Hiểu được các keyword chuyên môn.

- Điều chỉnh lộ trình chung thành lộ trình phù hợp, theo cách học của bạn. (Lưu ý: Lộ trình này sẽ cập nhật xuyên suốt quá trình bạn tự học, vì trong quá trình học, bạn sẽ nâng level lên và biết cần bổ sung gì vào lộ trình này)


Nén

Sau khi đã có lộ trình tự học một lĩnh vực bạn đang học. Bạn sẽ bước vào giai đoạn NÉN.

Ở đây giai đoạn Nén, bạn có 2 đầu ra:


Lập kế hoạch học tập: Theo cá nhân mình, để tạo kỉ luật cho bản thân và đạt mục tiêu tự học. Mình sẽ dùng google calendar lập thời khóa biểu cố định, khung giờ, và học từng phần trong bao lâu. Tất nhiên timline này bạn có thể cập nhật trong quá trình tự học.

Kế hoạch học tập bám sát vào lộ trình, chương trình ở bước trên, thêm cột thời lượng hoàn thành từng mục, bài học, thêm cột đầu ra (Ví dụ: Hoàn thành bài này, thì đọng lại những kiến thức gì - kiểu như bạn recap lại á).

Và không thể thiếu thời khóa học để hành động.


Nén kiến thức thành tri thức: Bước này cực kỳ quan trọng, mỗi bài học, mỗi lĩnh vực mới. Sau khi học xong, bạn phải hệ thống kiến thức lại bằng sơ đồ tư duy để hệ thống tất cả những gì bạn hiểu.

Nén kiến thức cũng na ná giống nén file trong máy tính vậy, file từ 10GB bạn nén thanh 1GB thôi, ví dụ vậy.

Kiến thức sau khi bạn học cũng vậy, bạn phải kết nối, liên tưởng, sử dụng câu chuyện, từ ngữ riêng của bạn để đặt tên cho file nén này.

Ví dụ nói về Product management, thì mình sẽ nén lại thành một câu riêng cho bản thân. Khi muốn chia sẻ cho ai thì mình sẽ giải nén (Giải nén được trình bày ở bước tiếp theo nha).

Nói về PM thì mình mô tả trong một câu "Nơi nào có than phiền, nơi đó có cơ hội". Các bạn xem chi tiết trên ảnh này nha.



Hay là nói về "kỷ nguyên 4.0" mà mọi người thường nghe, vậy có cách nào Nén nó lại thành cách bạn sẽ nhớ lâu, nhớ sâu nhất không.

Việc Nén kiến thức, có thể là bạn lấy một câu, một ý trong lĩnh vực, kiến thức bạn đang học, hoặc từ một người Thầy hoặc ai đó nói mà bạn tâm đắc nhất để đại diện cho tệp Nén này của bạn.

Nhưng theo mình nghĩ, tốt nhất bạn nên NÉN theo ý tưởng của bạn. Là ý tưởng của bạn nó mới neo đậu bền vững.


Quay lại chỗ ví dụ "Kỷ nguyên 4.0". Thì mình sẽ Nén nó thành file có tên "ABCDE", thực ra ý tưởng này mình đọc từ một anh Facebooker nào đó viết, mà lâu lắm rồi mình không nhớ tên. Khi trình bày về Kỷ nguyên 4.0, thì mình sẽ giải nén ngay file "ABCDE" này ra. ABCDE có nghĩa là:

- A là AI

- B là Blockchain

- C là Cloud Computing

- D là Data (Big Data; Data Science)

- E là Edge Computing


Nén kiến thức lại thành tri thức riêng cực kì quan trọng. Tương tự như laptop vậy, sẽ có một bộ nhớ, để tiết kiệm bộ nhớ bạn sẽ nén file lại để dành chỗ trống cho kiến thức khác. Ngoài ra, khi nén như vậy cũng giúp bạn quản lý dễ dàng tri thức của riêng bạn.


Tóm lại ở bước NÉN này

Bạn nên nén bằng ngữ cảnh, ý tưởng, từ ngữ riêng của bạn, hoặc bạn liên tưởng đến bất kỳ thứ gì đó.

Giải nén


Để hiểu sâu, hiểu lâu, để lấp các lỗ hổng kiến thức trong quá trình bạn tự học. Giải nén là việc bạn dạy, chia sẻ cho người khác, cho cộng đồng hoặc cá nhân nào đó ở level đang tìm hiểu lĩnh vực mà bạn vừa tự học xong (cũng giống như lúc bạn mới bắt đầu tìm hiểu vậy đó, bạn đi tìm đàn anh chia sẻ).

Vậy làm sao để trình bày, giải thích, chia sẻ một cách dễ hiểu nhất cho người nghe.

Thì "Giải nén" cái kiến thức bạn đã "Nén" ở bước trên thôi. hehe


Ở bước giải nén này, nó tương tự như lý thuyết "The Learning Pyramid" (Bạn google để đọc thêm nha), nôm na The learning pyramid nói rằng tỷ lệ nhớ kiến thức sẽ là 90% khi bạn dạy người khác, chia sẻ cho người khác. Hay một lý thuyết khác nữa cũng tương tự vậy có tên là "The Feynman Technique" (google tiếp heng), lý thuyết này cũng có một bước là sau khi bạn học xong, bạn chia sẻ hoặc dạy kiến thức vừa học cho người khác.


Quá trình trải nghiệm tự học rất nhiều kiến thức mới hiệu quả do mình áp dụng nhiều bước "giải nén" này. Đó cũng là slogan của web mình "Learning by Sharing"


Khi quá trình tự học của bản thân hiệu quả, nên mình lên kế hoạch chia sẻ chuỗi series bài viết "Tự học hiệu quả" này đến bạn đọc.


Tóm lại ở bước giải nén,

Sau khi học xong thì chủ động chia sẻ, chủ động dạy người khác để tìm lỗ hổng kiến thức vừa tự học. Bước này giống như bạn đang thẩm định kiến thức, trước khi ứng dụng vậy á.


XẢ


OK! học xong rồi thì dùng thôi.

Mạnh dạn ứng dụng những gì bạn đã học vào thực tế để thẩm định tri thức của mình vừa học, để lấp những lổ hổng, làm đầy, làm kín tri thức của bạn.

Đừng sợ mắc sai lầm, đừng sợ sai. Hãy bắt đầu bước đầu tiên áp dụng kiến thức đã học vào công việc, thực tế để đo lường hiệu quả.


OK vậy nha, kết thúc nội dung chính của bài viết trả lời cho câu hỏi ""Tự học hiệu quả như thế nào?".


Nhắc lại một tí, như mình có định nghĩa cụm từ "Tự học là gì?" ở phần 1, thì xuyên suốt quá trình tự học bạn phải "Chủ động" - Chủ động tìm tài liệu, chủ động tìm đàn anh, mentor, chủ động chia sẻ, dạy người khác sau khi hoàn thành quá trình tự học.

Nhớ kĩ từ "CHỦ ĐỘNG" này nha, quan trọng lắm á. Mình sẽ viết sâu hơn về từ "CHỦ ĐỘNG" này ở một bài khác.


Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Tóm tắt lớn cho phần này

Mỗi người sẽ có những phương pháp, cách tự học hiệu quả khác nhau. Với bản thân mình, sau quá trình tự học hiệu quả, mình nén lại kỹ năng này thành 4 bước "NẠP - NÉN - GIẢI NÉN - XẢ". Sau bài viết này trong chuỗi series bài viết "Tự học hiệu quả theo cách của bạn!", mình sẽ chia sẻ một vài case study cụ thể về quy trình tự học này, điển hình là "Product management", "Tư duy thiết kế", "Data analysis",...


Vậy, khi muốn tự học bất cứ lĩnh vực, kiến thức mới nào. Bạn nên trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

  • Tại sao phải tự học? (Xem phần 1)

  • Tự học là gì? (Xem phần 1)

  • Tự học qua các nguồn nào? (Xem phần 2)

  • Cần chuẩn bị gì cho việc tự học? (Xem phần 2)

  • Tự học như thế nào? (Xem phần 3)

  • Làm sao để tự đánh giá kết quả tự học của mình? (Xem phần 4 - sắp viết)

Hết phần 3.

Đọc tiếp Phần 4 - Tự đánh giá hiệu quả tự học


Tái bút: Bài viết được viết qua sự trải nghiệm, quan điểm, góc nhìn cá nhân, tổng hợp kiến thức có dẫn nguồn. Kiến thức mỗi người luôn có những giới hạn nhất định, vì vậy bài viết có thể còn hạn chế trong khuôn khổ hiểu biết, trải nghiệm cá nhân và có thể không phù hợp với các góc nhìn của một nhóm người đọc. Rất mong, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc và xem đây là một góc nhìn khác trong hành trình thu thập thông tin, kiến thức. 
Cuối cùng, trên tinh thần chia sẻ là một phương pháp học hiệu, như slogan website này - Learning by sharing, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để mình cải thiện và trau dồi thêm, cũng như thêm góc nhìn.Các bạn có thể chat với mình trên website này để góp ý.
Xin cảm ơn quý bạn đọc!










42 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page