top of page
Ảnh của tác giảNghiem Quoc Luu

Bạn tư duy Cộng hay tư duy Trừ ?

Hôm cuối tuần vừa rồi, mình có cafe với người anh, trong buổi nói chuyện, hai anh em có nói đến đại loại về chủ đề thêm, bớt trong cuộc sống.

Mình tạm đặt đó là tư duy cộng, trừ.

Qua những trải nghiệm cuộc sống, những quan sát thế giới quan hay trải nghiệm ở chính công việc product management, business của mình. Mình linh hoạt áp dụng tư duy cộng và tư duy trừ này, và rút ra kết luận Cộng dễ - trừ mới khó.

Vậy tư duy cộng là gì? Tư duy trừ là gì?

Dựa vào nghĩa gốc thì "Cộng" là thêm vào, hoặc theo chiều hướng tăng. Còn "Trừ" là bớt đi, giảm đi, theo chiều hướng giảm xuống, bỏ bớt.

Mình dẫn chứng một vài ví dụ thực tế về tư duy cộng trừ.



Ví dụ 1: Khi một người có mùi hôi cơ thể, sẽ có hai hướng giải quyết:

- Tìm hiểu và biết được những món ăn thường ăn là nguyên nhân tạo mùi hôi, vậy cách giải quyết là "Giảm bớt ăn những món ăn này". Giảm bớt chính là tư duy trừ.

- Hôi quá, lên các trang mua hàng tìm mua nước hoa, các loại mỹ phẩm khử mùi. Việc bạn xịt nước hoa để khử mùi, nghĩa là bạn đang "cộng thêm một thứ gì đó để giải quyết vấn đề". Xịt nước hoa khử mùi mình gọi là tư duy cộng.


Ví dụ 2: Trồng cây ăn quả. Mình nhớ man mán có xem video về cách người Nhật họ cắt bớt các quả khác trên cùng 1 cây và chỉ giữ lại một, hai quả. Việc này giúp tập trung dinh dưỡng vào những quả có khả năng tạo năng suất, hiệu quả kinh tế.

Ở ví dụ này, họ đang dùng tư duy trừ. Giảm bớt những quả không mang lại năng suất, để tập trung phân bón cho các quả mang lại năng suất, việc này giúp họ giảm chi phí phân bón, tăng năng suất thu hoạch.


Ví dụ 3: Trong kinh doanh, lợi nhuận = doanh thu - chi phí. Tức là dù doanh thu có cao bao nhiêu, mà chi phí cũng cao theo thì lợi nhuận thấp.

Tăng doanh thu là tư duy cộng, giảm chi phí là tư duy trừ. Nếu cắt giảm tối đa chi phí lãng phí hoặc dùng đổi mới sáng tạo để giảm chi phí, thì cũng là một phương pháp tăng lợi nhuận.

Ví dụ 4: Phát triển sản phẩm, tư duy cộng là phát triển nhiều tính năng cho khách hàng, tư duy trừ là giảm sự than phiền, những pain point trong hành trình sử dụng sản phẩm của bạn.


Ví dụ 5: Giảm cân, tư duy cộng là thêm các thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân quảng cáo trên internet,...Còn tư duy trừ là giảm ăn nhiều tinh bột, dầu mở, chạy bộ ra mồ hôi.


Vậy tư duy Cộng trừ, có thể áp dụng giải quyết vấn đề cũng ok mà, đúng không các bạn?

Thay vì chúng ta liệt kê "những gì tôi muốn", chúng ta thử liệt kê những gì "chúng ta không muốn". Ví dụ thay vì đặt câu hỏi "thế nào là sản phẩm tốt?" thì thử đặt câu hỏi "thế nào là sản phẩm không tốt". Khi chúng ta đặt ngược câu hỏi thế này, chúng ta cũng thấy những bản chất gốc rễ của vấn đề.

Hay là câu hỏi "thế nào là người tốt?", nếu câu trả lời khó quá nên bạn không thể biết người tốt là thế nào, thì giờ mình sử dụng tư duy trừ để đặt câu hỏi ngược lại vậy "thế nào là người không tốt?".

Khi hiểu được những gì không tốt sẽ giúp bạn tránh, giảm bớt những thứ, những điều không tốt trong cuộc sống của bạn.


Bạn thử để ý, nghĩ lại xem có phải chúng ta thường có xu hướng thêm cái gì đó để tốt hơn, thay vì xu hướng giảm bớt cái gì đó để tốt hơn. Mục tiêu vẫn là tốt hơn, nhưng trong tình huống cụ thể, bạn sử dụng "tư duy cộng" hay "tư duy trừ" thì quá trình rất khác, có thể tốn nguồn lực, tốn chi phí.

Cái này thấy rõ nhất khi một Product manager hay product owner tạo product roadmap, product backlog, chọn những tính năng ưu tiên để release ra bản MVP chẳng hạn.


Nếu bạn có biết qua câu nói của thiên tài Steve Jobs "Focusing is about say no" tạm hiểu nghĩa là tập trung là nói không. Tư duy trừ chính là kỹ năng "say no"/ nói không.


Tóm lại, tùy tình huống chúng ta linh hoạt tư duy cộng, tư duy trừ hay áp dụng cả hai. Mình luôn nghĩ không có gì là tuyệt đối, và đừng thần thánh hóa bất kỳ phương pháp nào, đọc hay áp dụng phương pháp nào đó mà bạn linh hoạt, nhanh nhẹn (agile) áp dụng cho cuộc sống, ngữ cãnh phù hợp với bản thân bạn là ok rồi.


Chốt lại những điểm chính.

--- Thực hành kỹ năng từ chối "say no" trong cuộc sống, loại bỏ những thứ không cần thiết, để tập trung vào những thứ cần thiết. Ở đây mình thường dùng ma trận Value vs Effort (mình chia sẻ sâu hơn ở bài viết khác heng). --- Không gian luôn có giới hạn, chúng ta phải loại bỏ những thứ không cần thiết để dành chỗ cho những thứ cần thiết.

--- Tư duy trừ là tư duy ngược, để biết những điều cần tránh. Thay vì nói về những gì khách hàng thích, thì thử hỏi khi khách hàng dùng sản phẩm bạn có những gì không thích.


Cũng có một bài viết hay về chủ đề này, bạn đọc tiếp ở đây nha. Nó gọi là Via Negative

Tái bút: Bài viết được viết qua sự trải nghiệm, quan điểm, góc nhìn cá nhân, tổng hợp kiến thức có dẫn nguồn, kiến thức mỗi người luôn có những giới hạn nhất định. Vì thế, bài viết có thể còn hạn chế trong khuôn khổ hiểu biết, trải nghiệm cá nhân và có thể không phù hợp với các góc nhìn của một nhóm người đọc. Rất mong, các bạn đọc hãy tiếp thu một cách có chọn lọc và xem đây là một góc nhìn khác trong hành trình thu thập thông tin, kiến thức. 
Cuối cùng, trên tinh thần chia sẻ là một phương pháp học hiệu, như slogan website này - Learning by sharing, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để mình cải thiện và trau dồi thêm, cũng như thêm góc nhìn.
Xin cảm ơn quý bạn đọc!




51 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page